Khu phố người Hoa tại Sài Gòn là một trong những góc phố với dáng vẻ độc đáo, lưu giữ nhiều nét kiến trúc độc đáo mang đậm văn hóa trung hoa. Đặc biệt, nó là sự pha trộn hoàn hảo của văn hóa hoa cổ và lối sống giản dị của người Việt, đây cũng là thiên đường ẩm thực với nhiều món ăn lạ mà quen. Vì thế mà khu phố người Hoa trở thành một trong những điểm dừng chân không thể thiếu với du khách có dịp ghé thăm thành phố mang tên Bác.

China Town quận 5 là địa điểm khu phố người Hoa đã có từ lâu đời tại Sài Gòn. Nơi đây lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc Trung Hoa nhưng đã phần nào thay đổi để phù hợp với người dân bản địa. Cùng khám phá về địa điểm du lịch này nhé!

Lịch sử khu phố China Town quận 5

Khu phố người Hoa tại Sài Gòn còn có tên gọi khác là khu phố Chợ Lớn, đây là nơi sinh sống và buôn bán của đông đảo người Hoa (người gốc Hoa).

Người Hoa lần đầu đặt chân tới thành phố Hồ Chí Minh (ngày nay) vào những năm 1644 khi sau khi nhà Thanh lật đổ hoàn toàn nhà Minh; những người tới đây chủ yếu là bị nhà Thanh đàn áp đuổi đánh khỏi đất nước hoặc thành phần theo hội “Phản Thanh phục Minh”.

Chúa Nguyễn đồng ý cho những người này định cư và sinh sống tại khu Đông Phố (Gia Định); Cù Lao Phố (thành phố Biên Hòa) và một số địa điểm khác. Tuy nhiên, năm 1782 nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục đàn áp người Hoa ở Cù Lao Phố do họ ủng hộ Nguyễn Ánh nên những người này tiếp tục di chuyển đến Đề Ngạn (Chợ Lớn bây giờ).

Hình ảnh phố người Hoa ngày xưa
Hình ảnh phố China Town ngày xưa

Phố người Hoa quận 5 ở đâu?

Những người hoa sống ven theo con kênh Tàu Hũ từ quận 5 tới quận 6 và có một phần của quận 11. Năm 1930 khu Chợ Lớn mới chính thức được sáp nhập vào Sài Thành theo nghị định của Thống đốc Nam Kỳ thời bấy giờ, giáp nhau bởi hai con đường Nguyễn Thiện Thuật và Nguyễn Văn Cừ hiện nay.

Thời kỳ Pháp Thuộc, khu phố người Hoa quận 5 có nhiều phát triển vượt bậc về kinh tế nhất là hoạt động buôn bán, giao thương với giới cầm quyền Pháp. Trong đó thương nhân Quách Đàm là nổi bật hơn cả – ông cũng là người cho xây Chợ Lớn.

Thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa họ cũng có mối quan hệ tốt với chính quyền. Năm 1979 dưới áp lực chiến tranh Việt – Trung và những cải tạo kinh tế một bộ phận người Hoa đã tiếp tục di chuyển sang những nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Năm 1986 sau cải cách kinh tế người Hoa tại đây đã tiếp tục ổn định cuộc sống và có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế.

Hình ảnh phố người Hoa ngày nay (@haromen94)
Hình ảnh phố người Hoa ngày nay (@haromen94)

Ngày nay, khu phố người Hoa China Town tại Sài Gòn có dân số chiếm khoảng 10% dân số thành phố Hồ Chí Minh (23.000) dân; nhưng hoạt động kinh tế lại chiếm 30%. Họ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, sản xuất hàng tiêu dùng, bán sỉ những mặt hàng quan trọng như: điện máy, vàng, vải vóc, hàng kim khí,…

Bộ phận người Hoa ở Sài Gòn cũng là một trong những mắt xích quan trọng trong việc mở rộng kinh tế, thương mại điện tử với các quốc gia như: Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore,…

Địa điểm du lịch tại China Town quận 5

Khám phá chợ Lớn tại phố người Hoa 

Chợ Lớn hay còn có tên gọi khác là Chợ Bình Tây được thương nhân Quách Đàm xây dựng vào năm 1928; chợ mang đậm nét kiến trúc của người Hoa với tường sơn vàng, tòa tháp cao, mái ngói đỏ và chi tiết trang trí hình rồng uốn lượn. Trải qua nhiều thăng trầm cũng như biến cố của Sài Thành chợ lớn vẫn đứng đó, lặng lẽ như một chứng nhân lịch sử. 

Hình ảnh chợ Bình Tây (@wearesaigoneer)
Hình ảnh chợ Bình Tây (@wearesaigoneer)

Chợ nằm tại khu phố người hoa tại Sài Gòn rộng 25.000m2; trong đó nổi bật là công trình bát quái đặt ngay phía trước cổng chợ (mặt tiền – đối diện bến xe Chợ Lớn thành phố Hồ Chí Minh) cao 13,1m, rộng 11,6m và dài 89,2m và 12 cổng phụ.

Trong chợ có hơn 2.400 quầy hàng bày bán nhiều loại hàng hóa khác nhau; chủ quầy hàng ở đây chủ yếu là người Việt gốc Hoa – được duy trì theo truyền thống cha truyền con nối. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc chợ trở nên lung linh huyền ảo hơn với ánh sáng rực rỡ của những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc.

Chợ còn thu hút du khách bởi hàng loạt món ăn ngon, hàng quán lâu đời – ẩm thực là sự hòa quyện giữa văn hóa Hoa – Việt như: Xíu mại, há cảo, mì hoành thánh, hủ tiếu, cơm ghè, chè Hà Ký,… Có lẽ bởi vậy mà người dân miền Nam mới có câu “Ăn cơm tàu – Ở nhà Tây”.

  • Địa chỉ: Số 57A, đường Tháp Mười, phường 2, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh
  • Giờ mở cửa: 2h00 – 22h00 hàng ngày

Du lịch tâm linh tại phố người Hoa 

Các địa điểm tâm linh tại China Town vốn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Hoa di cư tới Việt Nam từ 5 vùng khác nhau của Trung Quốc, đây là nơi gặp gỡ, giao lưu cũng như trao đổi giúp đỡ lẫn nhau của người Việt gốc Hoa. Đồng thời các điểm đến này cũng là nơi sinh hoạt văn hóa hàng ngày người Hoa; họ chủ yếu thờ Quan Thánh Đế Quân hoặc Thiên Hậu Thánh Mẫu. Cùng tìm hiểu về 5 địa điểm tâm linh nổi tiếng nhất tại China Town quận 5!

Chùa Bà Thiên Hậu (chùa Bà quận 5)

Được xây dựng từ những năm 1760, chùa là nơi thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Sau hơn 250 năm tồn tại nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn những nét đẹp kiến trúc ban đầu sau nhiều lần tu sửa. Kiến trúc chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng theo kiểu tam quan, cổng giữa – cổng chính lớn và hai cổng phụ hai bên.

Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu

Cùng với đó là nhiều chi tiết trang trí rồng bay uốn lượn ở phần mái, cùng với đó là nhiều bức tượng nhỏ với hình thù khác nhau – thể hiện sự kỳ công và tinh tế của chùa người Hoa quận 5 truyền thống trong việc xây dựng cũng như cúng bái. Không gian bên trong hội quán với sắc đỏ chủ đạo, hoành phi câu đối tạo nên cảm giác sang trọng, huyền bí. Đặc biệt, đừng quên chiêm ngưỡng bức tranh đắp nổi tứ linh tại đây nhé.

  • Địa chỉ: Số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, Tp Hồ Chí Minh
  • Giờ mở cửa: 6h00 – 11h30 và 13h00 – 16h30.

Hội Quán Ôn Lăng (chùa Quan Âm)

Đây là công trình tại China Town quận 5 được xây dựng từ những năm 1740, nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, về sau thờ thêm Quan Thế Âm Bồ Tát nên còn được gọi là chùa Quan Âm. Nơi đây cũng thờ khoảng 16 vị thần tiên theo tín ngưỡng của người Trung Hoa nhằm cầu tài, cầu lộc, cầu bình an và một số vị thần dân gian khác như: 18 vị La Hán, Địa mẫu Nương nương, Văn Xương Đế Quân,…

Chùa Minh Hương - Hội Quán Ôn Lăng
Chùa Minh Hương – Hội Quán Ôn Lăng

Đặc biệt, tại chùa còn có tục “Đánh kẻ tiểu nhân” vô cùng độc đáo. Khi đó người dân sẽ dùng dép đập vào hình nhân bằng giấy dưới đất – tượng trưng cho kẻ tiểu nhân để chúng không thể làm điều xấu hại người khác; thời gian khoảng 5 – 6/03 dương lịch. Kiến trúc chùa gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều màu sắc và hoa văn ấn tượng; trong chùa phần trần có treo nhiều hương vòng – nét độc đáo chỉ có tại chùa người Hoa quận 5.

  • Địa chỉ: Số 12, đường Lão Tử, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
  • Giờ mở cửa: 8h30 – 17h30

Hội Quán Phước An (Chùa Minh Hương)

Là một trong chùa người Hoa quận 5 lâu đời khi xây dựng năm 1902 trên cơ sở An Hòa Cổ Miếu thờ Quan đế Thánh Quân với kiến trúc gốm và gỗ đặc trưng. Đỉnh chùa có nhiều bức phù điêu nhỏ bằng gốm sứ và phù điêu nghệ thuật cổng tam quan; cùng nhiều hoa văn có giá trị nghệ thuật khác.

Hội Quán Phước An
Hội Quán Phước An

Trong ngôi chùa tại China Town này còn có nhiều bức hoành phi lớn nói về quan Công, nơi thờ 5 bà Ngũ Hành, ông Bổn Địa. Không gian chùa người Hoa quận 5 nổi bật với sắc đỏ cả hoành phi, câu đối, đèn lồng và hương vòng; chúng hòa quyện với nhau tạo nên không gian huyền ảo mà dung dị.

  • Địa chỉ: Số 184 phường Hồng Bàng, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh

Hội Quán Nghĩa An (chùa Ông quận 5 )

Nơi đây thờ Quan Công – vị tướng tiêu biểu cho tấm lòng Trung Nghĩa thời Tam Quốc. Không gian chùa là sự kết hợp hài hòa giữa sắc vàng, sắc đỏ và sắc tro xám với nhiều bức hoành phi lớn mang đậm vẻ đẹp thư pháp – bộ môn nghệ thuật tại khu phố người Hoa quận 5.

Hội Quán Nghĩa An - Chùa Ông quận 5
Hội Quán Nghĩa An – Chùa Ông quận 5

Ngay từ phía cổng vào đã có thể cảm nhận được không khí trang nghiêm bên trong bởi mai tam cấp màu xám xanh; với nhiều hình rộng và chạm khắc nổi bật; kỳ lân và nhiều bức hoành phi khắc chữ chìm lớn. Đây cũng là cách mà người Hoa – Triều Châu lưu giữ lại gốc gác của mình sau khi di cư.

  • Địa chỉ: Số 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh

Hội Quán Nhị Phủ tại China Town quận 5

Nơi thờ Ông Bổn – Phúc Đức Chính Thần người bảo hộ đất đai và con người theo tín ngưỡng của khu phố người Hoa tại Sài Gòn. Nét nổi bật trong kiến trúc chùa chính là mái cong dáng thuyền được trang trí bởi nhiều bức phù điêu rồng, cá chép ghép lại bằng mảnh sứ công phu và nhiều bức phù điêu bằng gỗ tinh xảo khác.

Hội quán Nhị Phủ
Hội quán Nhị Phủ

Hai ngày lễ lớn trong năm là ngày rằm tháng giêng và rằm tháng 8 âm lịch nơi đây có nhiều hoạt động hấp dẫn như: trình diễn nhạc cổ Phước Kiến, múa lân, múa rồng, múa sư tử,…

  • Địa chỉ: số 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
  • Giờ mở cửa: 8h00 – 16h00

Tham quan phố lồng đèn tại phố người Hoa 

Đây là con phố trưng bày rất nhiều đèn lồng, được coi là địa điểm không thể bỏ qua tại China Town quận 5. Khu phố nằm trên đường Lương Nhữ Học, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh luôn nhộn nhịp, tấp nập người qua kẻ lại. Đặc biệt khi màn đêm buông xuống con phố lại khoác lên mình nhiều màu sắc lung linh huyền ảo của những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu.

Phố lồng đèn
Phố lồng đèn

Cứ mỗi năm sau rằm tháng 7 âm lịch là khu phố lại trở nên rực rỡ sắc màu – chính vẻ đẹp này đã thu hút rất nhiều người tới đây để dạo chơi, chụp ảnh hay đơn giản là mua lồng đèn. Để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của phố lồng đèn tại China Town thì bạn nên đến đây vào buổi tối những ngày 16/7 – 20/8 âm lịch hàng năm. Cuối phố có khu ẩm thực bán đồ ăn vặt hai bên đường đang chờ du khách khám phá, đặc biệt món bánh Roti luôn đông khách với giá bán từ 20.000 – 40.000đ/chiếc – một loại bánh của người Malaysia.

Khám phá phố ẩm thực tại phố người Hoa quận 5

Ẩm thực tại phố người Hoa là sự giao thoa hài hòa của ẩm thực Trung Hoa và thói quen ăn uống của người Việt. Bởi vậy dù là ẩm thực Hoa nhưng lại rất dễ ăn và ngon miệng. Điểm đặc biệt của những hàng quán China Town quận 5 chính là biển hiệu song ngữ (tiếng hoa và tiếng việt); cũng không khó để bắt gặp những ông chủ bụng to người Hoa tay thoăn thoắt nấu nướng, cười nói vui vẻ với khách hàng bằng tiếng việt thi thoảng lại quay vào nói chuyện với người nhà bằng tiếng Hoa. 

Chính hình ảnh dung dị, nhiệt tình niềm nở của những ông chủ người Hoa với chiếc khăn vắt trên vai khiến nhiều thực khách nhung nhớ mãi. Vào những dịp lễ trong năm trước những cửa hiệu, quán ăn người Hoa quận 5 đều sẽ treo đèn lồng đỏ tượng trưng cho niềm vui và thu hút may mắn.

Những món ăn ngon tạo nên thương hiệu ẩm thực Hoa mà bạn không nên bỏ lỡ như:

Vịt quay Bắc Kinh

Vịt quay tại phố Người Hoa
Vịt quay tại phố Người Hoa

Khác với vịt quay của người Việt món ăn này của người Hoa khi ăn có thể cảm nhận mùi thơm nhẹ của hoa hồi, ngũ vị hương và bột xá xíu. Để thưởng thức món ăn này du khách có thể ghé đường Bùi Hữu Nghĩa ở đây có khoảng 10 tiệm vịt có từ vài năm đến vài chục năm tuổi. Giá tham khảo: 280.000đ/con.

Cá viên Cà ri China Town

Một trong những món ăn đường phố nổi tiếng tại khu ẩm thực người hoa quận 5 có nguồn gốc từ Hồng Kông và Đài Loan. Viên cá dai dai, giòn giòn quyện với nước sốt cà ri đậm đà. Món nước sốt cay đã được gia giảm gia vị phù hợp với xu hướng ăn ngọt của người Sài Thành. Địa chỉ quán tại góc mũi tàu, đường Nguyễn Trãi.

Phá Lấu phố người Hoa

Món phá lấu nổi tiếng
Món phá lấu nổi tiếng

Món ăn sử dụng lòng heo, lòng gà, lưỡi heo, tai heo,… ướp cùng gia vị rồi ninh với nước dừa tươi trong nhiều giờ. Đây cũng là một trong những món ăn vặt yêu thích của nhiều bạn trẻ Sài Gòn, có thể ăn riêng, ăn cùng bánh mì, mì gói hay nướng đều rất ngon. Giá tham khảo khoảng 30.000đ/tô.

Dimsum tại China Town

Một món quà ăn sáng của người Hoa được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon. Khi ăn thực khách có thể cảm nhận được phần vỏ bánh mềm, dai; phần nhân ngọt nước và đậm đà. Hơn nữa, nhân dimsum cũng vô cùng đa dạng có thể sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau từ thịt, cá, rau củ, nấm,… Chế biến cũng vô cùng đa dạng có thể luộc, hấp, chiên,… đều được. Giá khoảng 10.000 – 25.000đ/chiếc.

Mì người Hoa quận 5 – Mì kéo

Quán mì tại phố người Hoa (@ledangkhoa.ldk)
Quán mì tại phố người Hoa (@ledangkhoa.ldk)

Điểm đặc biệt của món ăn này là sợi mì được làm thủ công, toàn bộ quá trình nhào và kéo sợi mì đều được diễn ra trước mặt thực khách nên khi ăn giữ nguyên được độ tươi, cũng như hương vị thơm ngon của bột. Món mì kéo ngon nhất khi ăn cùng xá xíu, việt tiềm, hoành thánh, sườn kho,…Giá tham khảo khoảng 47.000đ/tô.

Chè người hoa quận 5 nổi tiếng với chè Hà Ký

Tiệm chè gia truyền của người Hoa với nhiều món thức uống đa dạng, thực đơn được trình bày bằng hai thứ tiếng Hoa Việt. Đặc biệt, món chè trà trứng (trúng gà nấu với trà đen cho đến khi trà ngấm vào lòng đỏ) khi ăn có vị bùi béo và thanh mát của trà vô cùng độc đáo. Ngoài chè quán cũng phục vụ nhiều món mặn khác như: bánh ướt, bánh cuốn, bánh tằm bì, bánh ích,… với hương vị thơm ngon vô cùng đặc trưng. Giá tham khảo khoảng: 25.000 – 45.000đ/phần ăn. Địa chỉ: số 138 đường Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Địa điểm tham quan gần phố China Town

Hẻm Hào Sỹ Phường 800m
Chợ Kim Biên 1.7km
Miếu Ông Bồn 1.3km
Phố Tây Bùi Viện 4.4km
Chợ Hoa Hồ Thị Kỷ 2.8km

China Town quận 5 một trong những địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh, trải nghiệm và ẩm thực độc đáo tại Sài Gòn. Mong rằng với những gợi ý của chúng tôi bạn đã có thể dễ dàng xây dựng cho mình một lịch trình phù hợp khi ghé thăm nơi đây và cảm nhận những nét đẹp trong văn hóa, kiến trúc, ẩm thực của người Việt gốc Hoa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *